[Chuyện nghề] BrSE tại Nhật Bản – Việc gì khó có BrSE lo!

Anh Lương Đình Hoàng, nhân sự cốt cán đồng hành cùng CMC Japan từ những ngày đầu thành lập đến nay, vừa có bài phỏng vấn khá thú vị về hành trình chinh phục vị trí BrSE tại xứ sở hoa anh đào. Cùng admin lắng nghe chuyện nghề kỹ sư cầu nối và bí quyết “vượt khó” từ nhân vật kỳ cựu này của nhà CMC Japan nhé! 

BrSE

Bridge System Engineer (BrSE) là gì? 

Là vị trí đặc thù xuất hiện trong các công ty cung cấp giải pháp công nghệ thông tin (IT Outsourcing), BrSE hay Kỹ sư cầu nối là người chịu trách nhiệm kết nối khách hàng và đội ngũ kỹ thuật. Các BrSE sẽ tiếp nhận và truyền đạt yêu cầu từ khách hàng, chuyển thành ngôn ngữ kỹ thuật và đưa đến team offshore xử lý.  

Theo anh Lương Đình Hoàng – Senior Bridge System Engineer kiêm Project Manager tại CMC Japan chia sẻ: “BrSE là một trong các công việc đòi hỏi sự toàn diện nhất trong ngành IT. Không chỉ cần tính cởi mở, tương tác liên tục giữa các bên, kỹ sư cầu nối còn phải nhẫn nại, linh hoạt và có tinh thần trách nhiệm cao với công việc.” 

Vậy mà đằng sau hình ảnh quyền lực “hô mưa gọi gió” thường tương truyền cho vị trí đó là hành trình gian nan đầy thử thách ít ai biết. Để rồi sau chuỗi ngày nỗ lực không ngừng, áp lực đã thực sự tạo nên kim cương với tên gọi BrSE.  

 

Việc gì khó có BrSE lo 

Là BrSE nhất định phải “giỏi ngoại ngữ, đảm kỹ thuật”  

Như chính tên gọi “kỹ sư cầu nối” đã thể hiện, yêu cầu đầu tiên dành cho các ứng viên BrSE là thông thạo kiến thức công nghệ chuyên ngành. Trong vai trò điều phối đứng giữa khách hàng và team offshore, các bạn phải có “nền tech” để vừa tư vấn giải pháp cho khách hàng, vừa phác thảo cách triển khai cho nhóm kỹ thuật.  

Bên cạnh đó, anh Hoàng còn nhấn mạnh: “Ngoại ngữ, cụ thể như tiếng Nhật chính là tấm vé thông hành đặc biệt dành cho các developer. Thông thạo ngoại ngữ, mình hoàn toàn chủ động trong nghiên cứu tài liệu, mở rộng hiểu biết của bản thân và tăng cơ hội làm việc trong các dự án quốc tế. Khả năng học hỏi rộng mở thì cơ hội phát triển lên những nấc thang mới của sự nghiệp cũng tăng theo. Thực tế ở thời điểm mình bắt đầu, lập trình trẻ tài năng không ít, nhưng vừa biết kỹ thuật, vừa có tiếng Nhật khá hiếm hoi. Vậy nên chọn kiên trì theo đuổi ngôn ngữ này, dù đầy khó khăn, thử thách nhưng thành quả gặt về khiến mình thật sự tự hào.”  

Đảm bảo dòng chảy giữa khách hàng và team offshore luôn thông suốt 

Nếu “giỏi ngoại ngữ, đảm kỹ thuật” là điều kiện cần thì điều kiện đủ chính là “đảm bảo dòng chảy giữa khách hàng và team offshore luôn hài hoà”.  

Trong quá trình làm việc, BrSE phải đối mặt với nhiều thử thách từ khả năng giao tiếp đến khác biệt văn hoá và cả hạn chế trong quản lý. Các yếu tố này có thể dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai và mâu thuẫn nội bộ. Anh Hoàng cho biết: “Có lúc chính khách hàng cũng không rõ điều họ muốn, các mô tả anh nhận về cũng được diễn đạt bằng ngôn ngữ đời thường. Nhiệm vụ của anh lúc bấy giờ là chắt lọc và chuyển câu chữ đó thành ngôn ngữ kỹ thuật để đội offshore bắt tay vào triển khai.” 

Ngoài ra, khi làm việc ở các nước khác nhau, việc chênh lệch múi giờ cũng là điều tất yếu. Và mặc cho điều tất yếu ấy, BrSE phải luôn đảm bảo truyền tin nhanh – đúng – đủ trong mọi trường hợp để đội nhà xử lý ngay khi phát sinh vấn đề.  

Đêm thần kỳ ở “Nosan” 

Gắn bó cùng CMC Japan từ những ngày đầu, anh Hoàng và các đồng nghiệp đã có nhiều kỷ niệm cùng các cung bậc cảm xúc. Nhưng với anh, đáng nhớ nhất phải kể đến kỳ tích fix bug xuyên đêm đầy thần kỳ ở dự án Nosan.  

Anh kể: “Đây là một dự án lớn nên trong quá trình làm các phần của team luôn được kiểm tra kỹ lưỡng và hoàn thành đúng thời hạn. Thế nhưng xui rủi thế nào, đến hôm bàn giao sản phẩm cho khách hàng thử vận hành lại phát sinh vấn đề. Ngay khi nhận được tin báo từ phía Nhật, anh đã nhanh chóng tập hợp toàn team offshore tại Việt Nam để bàn bạc hướng xử lý. Lúc đó giờ Việt đã là đêm muộn rồi, nhưng tất cả thành viên đều sẵn sàng làm ngay. Đến rạng sáng hôm sau, toàn bộ bug đều được fix thành công. Đến chính khách hàng cũng phải ngạc nhiên và cảm thán về tốc độ làm việc của đội ngũ CMC Japan trong dự án này.” 

“Hết bug, nhận về các feedback tốt, mọi mệt mỏi và áp lực của anh em cũng tan biến theo. Trộm vía, về sau, các dự án mới phát triển từ Nosan cũng được khách hàng tin tưởng giao cho team thực hiện tiếp.” – Anh Hoàng hào hứng chia sẻ.  

Đặc biệt, anh Hoàng còn tiết lộ thêm khía cạnh làm anh thật sự yêu thích công việc này tại CMC Japan là sự cởi mở và “open” của mọi người. Khi nhận về một dự án mới, team thường họp lại cùng nhau để thảo luận. Ý kiến của tất cả các thành viên đều được lắng nghe và ghi nhận như nhau. Các anh chị leader, manager cũng vậy, “họ không ngại cho mình thử đâu, bởi phải làm rồi mới biết được kết quả.” Với anh, đây cũng là một trong các yếu tố giúp anh học hỏi được nhiều và làm được nhiều hơn.  

Nay, khi đã bước sang năm thứ 4 gắn bó cùng CMC Japan, anh Hoàng đã có những dấu ấn tuyệt vời trong cả công việc và cuộc sống. Chúc anh ngày càng gặt hái được thành công và hạnh phúc nhé! Và hy vọng những chia sẻ gần gũi từ anh Hoàng đã giúp các bạn có cái nhìn chân thực hơn về hành trình nỗ lực phi thường đằng sau ánh hào quan thường thấy, cũng như góp phần tạo động lực để bạn thử sức với vị trí BrSE.

Để tham khảo thêm JD chi tiết của vị trí này tại CMC Japan, vui lòng đọc tại đây. 

Hoặc khám phá thêm các vị trí khác tại CMC Global: 

  1. Front-end Developer – Nghề “làm giao diện đẹp” trong dự án công nghệ thông tin
  2. Automation Test: Tự động hoá mà vẫn chạy bằng cơm… liệu có đúng 
  3. B.A, ba phải? Giải mã sức hút nghề Business Analyst 
Copy link
Powered by Social Snap