BrSE là cụm từ quen thuộc, thường xuyên xuất hiện trong các công ty công nghệ hoạt động tại thị trường Nhật Bản. Với mức lương cao, chế độ đãi ngộ hấp dẫn, vị trí này nhanh chóng trở thành đích đến được nhiều người lựa chọn.
Vậy BrSE là gì? Cần gì để trở thành một BrSE thực thụ? Cùng CMC Japan Careers dừng chân tại BrSE Hub – Tập 1 – Khám phá Bộ khung yêu cầu cốt lõi dành cho BrSE nhé!
BrSE (Bridge System Engineer – hay Kỹ sư cầu nối) là vị trí thực hiện nhiệm vụ kết nối các nhóm làm việc, công ty với khách hàng sao cho hai bên thông hiểu nhau và có thể hợp tác thuận lợi trong mỗi dự án. Theo đó, có 2 hướng phát triển thành BrSE gồm:
- Hướng kỹ thuật (như các lập trình viên)
- Hoặc từ hướng ngôn ngữ Nhật (như comtor, biên phiên dịch…).
Nhưng dù ở hướng nào đi chăng nữa, để thật sự đảm nhận được trọng trách của vị trí này, đều cần phải trau dồi và đảm bảo có đủ 4 yêu cầu cốt lõi dành cho BrSE như sau:
- Kiến thức về phát triển phần mềm
- Kỹ năng ngôn ngữ
- Kỹ năng quản lý dự án
- Các kỹ năng mềm khác
1. Kiến thức về phát triển phần mềm
Đây là nền tảng quan trọng nhất đối với một BrSE. Việc hiểu rõ quy trình phát triển phần mềm giúp các kỹ sư cầu nối tìm ra giải pháp hiệu quả cho dự án thông qua các giai đoạn phân tích yêu cầu, thiết kế, lập trình, kiểm thử và triển khai.
Tại thị trường Nhật Bản, Java, Python, C++ và JavaScript là các ngôn ngữ lập trình phổ biến. Trong số đó, Java và Python thường được ưa chuộng sử dụng trong các phần mềm lớn. Ngoài ra, BrSE cũng phải thành thạo các framework đặc trưng của ngôn ngữ họ đảm nhận như Spring (của Java), Django (của Python), React (của JavaScript)… và các công nghệ như Docker, Kubernetes hay dịch vụ điện toán đám mây (AWS, Azure)…
Nhờ các kiến thức kỹ thuật chuyên ngành, BrSE có thể giao tiếp dễ dàng với team offshore, “chuyển thể đầy đủ” yêu cầu của khách hàng từ ngôn ngữ đời thường thành từ ngữ chuyên dụng. Nhờ đó, đội ngũ phát triển có thể hiểu đúng và thực hiện chính xác các yêu cầu.
2. Kỹ năng ngôn ngữ
Đối với một BrSE, kỹ năng ngôn ngữ là chiếc chìa khóa đa năng mở ra nhiều cánh cửa thành công trong sự nghiệp. Trong đó, tiếng Anh và tiếng Nhật là các ngôn ngữ quan trọng nhất. Việc giao tiếp tốt bằng tiếng Nhật giúp các kỹ sư cầu nối dễ dàng thấu hiểu văn hóa làm việc ở xứ sở phù tang, truyền đạt đúng ý tưởng và yêu cầu của khách hàng đến đội ngũ phát triển. Còn việc thành thạo tiếng Anh sẽ giúp BrSE thuận lợi tiếp cận và nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật chuyên ngành.
Tham gia phỏng vấn cùng BrSE Hub, anh D.H.Hải – BrSE làm việc tại Trung tâm sản xuất 1, CMC Japan chia sẻ thêm rằng: “Các yêu cầu dự án không phải lúc nào cũng rõ ràng và mạch lạc, thế nên khách hàng thường ưu tiên sử dụng ngôn ngữ chính của họ để mô tả các yêu cầu đó. Việc giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Nhật này có vai trò rất lớn trong việc hiểu ý khách hàng, hình dung được những gì họ muốn, từ đó nhanh chóng đưa ra giải phải và tạo dựng sự tin tưởng từ khách hàng.”
3. Kỹ năng quản lý dự án
Đây là thành tố giúp đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án. Điều này bao gồm việc lập kế hoạch, phân công công việc, theo dõi tiến độ và giải quyết các vấn đề phát sinh. Các BrSE cần đánh giá những vấn đề có thể ảnh hưởng, phân chia thứ tự ưu tiên để đảm bảo hoàn thành dự án đúng hạn. Ngoài ra, kỹ sư cầu nối cũng phải sử dụng các công cụ như Jira, Trello, Asana và linh hoạt áp dụng các phương pháp như Agile/Scrum, Waterfall hay Kanban, Lean… vào quản lý dự án.
Tại điểm này, anh N.M.Tân – Senior BrSE tại CMC Japan cũng chia sẻ thêm: “Thực tế tại CMC Japan, tuỳ theo thời gian và đặc trưng của project, mình sẽ áp dụng những phương pháp quản lý khác nhau. Ở những dự án có yêu cầu rõ ràng và ít thay đổi, Waterfall là lựa chọn được ưu tiên trước. Tuy nhiên với các dự án thiên về trải nghiệm, thay đổi yêu cầu thường xuyên, anh em sẽ áp dụng Agile/Scrum để chia nhỏ thành nhiều phrase, giúp tối ưu hoá thời gian và nguồn lực thực hiện.”
4. Các kỹ năng mềm
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là các kỹ năng mềm. Một BrSE cần có khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Khả năng lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng cũng là một yếu tố quan trọng, giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng và đội ngũ làm việc.
Ngoài ra, trong suốt quá trình làm việc, xung đột vẫn có thể xảy ra giữa các thành viên trong nhóm hoặc giữa nhóm phát triển và khách hàng. Lúc này, khả năng giải quyết xung đột giúp BrSE có thể hòa giải các mâu thuẫn và tìm ra giải pháp thỏa đáng cho tất cả các bên, duy trì môi trường làm việc hòa hợp và hiệu quả.
BrSE Hub – Góc chia sẻ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho BrSE từ CMC Japan
Là nơi kết nối, chia sẻ kiến thức dành cho BrSE, từ những công cụ và phương pháp làm việc hiệu quả, đến câu chuyện thực tế tại CMC Japan – thành viên chiến lược của CMC Global với định hướng trở thành đơn vị đứng đầu về năng lực tư vấn và triển khai các giải pháp chuyển đổi số tại Nhật Bản.