Trần Lê Hưng – Nhân vật phản diện đối với phòng tuyển dụng

Nếu coi công tác tuyển dụng ở CMC Global là một bộ phim dài tập thì Trần Lê Hưng là một trong những nhân vật phản diện nổi bật. Từ “anh dev vui tính” đến “anh quản lý khó tính”, Delivery Manager 9x sau 4 năm làm việc đã thay đổi dữ dội và trở thành một phiên bản nâng cấp cực mạnh.

Nhìn vậy mà không phải vậy…

Hẹn gặp anh Hưng cho bài viết này, nhóm biên tập đã bật sẵn cho mình chế độ “thanh niên nghiêm túc” vì vô cùng ấn tượng với phong cách làm việc quyết liệt và nghiêm nghị của anh trong các dịp hợp tác tổ chức sự kiện IT trước đó. Chẳng những vậy, đối với phòng Tuyển dụng Trần Lê Hưng vốn là interviewer gắn liền với nút “reject ứng viên”, chia cắt chúng tôi với KPI. Thú thật, khá là “căng”! Không ngoài dự đoán, anh Hưng đón chúng tôi ở quán café tại zone tầng 19 CMC Building vẫn là gương mặt tập trung trước chiếc máy tính, âu phục chỉn chu… nhìn vừa “cuốn” lại vừa áp lực. Chính tôi cũng không thể ngờ rằng chỉ một vài phút sau đó người anh này sẽ khiến chúng tôi phải “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa” bởi độ quậy và tưng tửng của mình.

Nếu không phải đang lấy tin, chắc chắn tôi sẽ gọi thêm đĩa hướng dương để ngồi nghe anh Hưng kể chuyện với chất giọng 1-9-1-10 với Nguyễn Ngọc Ngạn. Không giống một cuộc phỏng vấn, mà là kiểu “ngồi xuống đây và anh sẽ kể cho các em nghe về một huyền thoại….”. Rồi cả mấy anh em cười phá lên.

Là một 9x đời đầu, sau hành trình gần 11 năm trong ngành IT, anh Trần Lê Hưng hiện đang giữ cương vị Delivery Manager tại DU12 – khối G1. Điều bất ngờ là không chỉ hầu hết những người xung quanh mà chính bản thân anh trước đây cũng từng cho rằng mình chỉ hợp với những công việc về kĩ thuật và sẽ chẳng bao giờ làm quản lý.

Lao vào code 15 tiếng mỗi ngày và cú quay xe thay đổi sự nghiệp

Ra trường từ những năm 2012, Trần Lê Hưng đã ngay lập tức lao vào loạt dự án và gặt hái nhiều thành tựu với thị trường ITO Nhật Bản. Nhớ những ngày đầu, khi chân ướt chân ráo với chỉ 6 tháng kinh nghiệm ở tittle Android Developer, anh đã mạnh dạn cùng team lặn lội sang Nhật, với vốn ngoại ngữ bằng 0, phải dùng body language để giao tiếp với đối tác, làm việc từ 9 giờ sáng và thường phải bắt chuyến tàu điện cuối cùng để về nhà lúc gần 12 giờ đêm trong suốt gần 3 tháng onsite làm dự án. Nhưng sau những ngày “xông pha” máu lửa ấy, chỉ 1,5 năm sau đó, Trần Lê Hưng đã có thể một mình quay lại Nhật Bản và tự tin làm việc đồng hành với Phó trưởng ban tổ chức Tokyo Olympic ở vai trò Leader của siêu dự án phát triển hệ thống hạ tầng 4G, wifi ở các sân vận động và tàu điện ngầm, phục vụ theo dõi Olympic Tokyo 2020 trên điện thoại (dự án kéo dài từ 2014 đến 2017). Quá trình “try hard” ở Nhật đã thúc đẩy anh Hưng bứt phá với tốc độ phát triển chuyên môn khủng khiếp. “3 tháng làm việc nhưng anh thấy lượng kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy tương đương với 3 năm cày cuốc” – Anh Hưng rất tâm đắc khi nhắc lại. Mặt khác, những trải nghiệm về văn hóa và con người ở đây cũng góp phần hình thành nên phong cách, tư duy làm việc logic, quyết liệt của anh.

Tháng 9 – 2019 anh Hưng có “chạm ngõ” CMC Global theo lời gọi của anh Bùi Xuân Trung – PM tại DU12 lúc bấy giờ (Hiện tại là Giám đốc Trung tâm sản xuất 12). Sau khi cùng đội ngũ chinh phục nhiều dự án vềMobile – Android, Java Web ở nhiều vai trò như Team Lead, PM, đến năm 2022, Trần Lê Hưng rẽ hướng từ thuần kĩ thuật sang quản lý với chức danh Delivery Manager.

“Ban đầu mình không hề có định hướng làm mảng quản lý vì mình thích làm software architect và rất thiện chiến về kĩ thuật khi tham gia hàng loạt dự án lớn. Nhưng từ những ngày làm PM mình đã được tin tưởng để tham mưu cho DU Lead, dẫn dắt đội ngũ ở nhiều khía cạnh khác… chỉ là không có tittle DM chính thức. Tính mình hay muốn làm những cái khó mà người ta không thích làm, không làm được. Mà tình cờ, làm quản lý cũng là một việc như vậy, nên khi được tổ chức giao phó thì mình sẵn sàng dấn thân thôi. Mặt khác, DM là một vị trí vẫn có tính chất technical nhiều hơn, mình có cơ hội gần anh em để tương tác nhiều, sâu sát với mảng sản xuất”
– Anh Hưng kể về quyết định thay đổi định hướng nghề nghiệp của mình.

Cú “quay xe” này thật sự đã mang đến bước ngoặt trong sự nghiệp của anh Hưng. Chưa khi nào Trần Lê Hưng thấy hào hứng, tự tin và tham vọng được lăn xả nhiều đến thế. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi chuyên môn, giờ đây anh Hưng còn không ngừng học hỏi kiến thức tài chính, thị trường để đưa ra chiến lược phát triển cho bộ phận, thử thách bản thân trong các dự án phối hợp và hỗ trợ các phòng ban …làm nhiều việc cùng lúc và mang đến nhiều giá trị khác cho tổ chức. Hiện tại, anh Hưng được biết đến là một trong những quản lý trẻ uy tín và là gương mặt quen thuộc của các diễn đàn, chương trình của cộng đồng Công nghệ thông tin.

Delivery Manager từ DU12 cho rằng chính văn hóa “linh hoạt và tôn trọng sự khác biệt” ở CMC Global đã giúp anh có điều kiện để khai mở:

“Không nhiều doanh nghiệp có đủ khả năng, tiềm lực và sự trao quyền đầy tín nhiệm như tại CMC Global và đặc biệt là tại Khối G1. Ở đây, mình phát hiện ra một “cái tôi” rất khác và những năng lực tiềm ẩn của bản thân. Mình đã hoàn thành và vượt xa những mục tiêu mà mình đề ra 5 năm trước.”

tran-le-hung-cmcg-3

Mr. Reject – nhân vật phản diện đối với phòng tuyển dụng

tran-le-hung-cmcg-4

Thừa nhận rằng mình là một người cầu toàn, khó tính và yêu cầu cao đối với công việc, Trần Lê Hưng cũng bật mí một trong những bí kíp cho anh thành tựu ngày hôm nay đó là nhờ nghiêm túc lập kế hoạch và quản trị mục tiêu. Ta sẽ không biết mình có thể đi đến đâu và đi ra sao nếu không có định hướng ngay từ đầu và quản trị từng bước trên hành trình đó. Đặt mục tiêp phát triển chuyên môn từ khi còn là một fresher, dự báo xu hướng thị trường và sẵn sàng chuyển hướng để có cơ hội bứt phá sự nghiệp, đến mở rộng nghiên cứu về kinh doanh để xác lập mục tiêu và hướng đi cho đội ngũ khi ở vai trò quản lý… Hơn 10 năm làm nghề là những chuỗi ngày anh Hưng không ngừng đề ra và vươn tới những mục tiêu.

Nếu không vì kiên định với mục tiêu và tỉnh táo để dự báo xu hướng thì có lẽ chàng trai sinh năm 91 này đã sớm nói lời tạm biệt với CMC Global từ năm 2020. “Đó là một giai đoạn khó khăn, đội ngũ rất cần có luồng chi phí để vận hành, nên mặc dù đang là PM nhưng mình sẵn sàng sang văn phòng của khách hàng onsite làm coder để “chờ thời” cùng anh em. Mặc dù có vô số lời mời gọi hấp dẫn từ bên ngoài, nhưng mình chưa từng nghĩ đến việc rời khỏi CMC Global”

Kinh qua nhiều doanh nghiệp ITO, có thể thấy Trần Lê Hưng nắm được chu kì vận hành của ngành, nhìn thấy tiềm năng của một đơn vị trẻ như CMC Global với vô số cơ hội làm nên chuyện trong tương lai bởi tập đối tác khủng và nền tảng từ Tập đoàn. Và rõ ràng, chỉ có các nhân sự sống sót qua các thời điểm khó khăn thì mới có thành tựu vượt bậc so với những người khác.

Nhớ lại đợt tuyển dụng cao điểm năm 2022, tôi nhớ ra anh Hưng là một trong những interviewer khó tính nhất, liên tục từ chối các ứng viên sau phỏng vấn. Giờ thì đã rõ, cách mà anh đặt ra yêu cầu cao cho các ứng viên cũng chính là cách anh đang tự đặt mục tiêu cho bản thân và đội ngũ của mình.

Làm rõ về những lần “Reject”, anh Hưng thẳng thắn đề cập đến các ứng viên trẻ, các fresher IT:

“Mình thấy thường các bạn chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề, nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp và thể hiện ra rằng tôi có kĩ năng này, kinh nghiệm kia, tôi có thể làm tốt những cái tương tự. Nhưng khi hỏi về bản chất và tại sao lại làm như vậy thì ít người trả lời được. Nói dễ hiểu thì nhiều bạn chỉ quan tâm đến bề nổi thay vì chiều sâu. Điều quan trọng trước tiên là các bạn cần có kiến thức nền tảng vững vàng . Khi nắm chắc cơ bản, chúng ta dễ dàng học mảng khác rất nhanh. Và đặc biệt, trong bối cảnh bất ổn hiện tại, doanh nghiệp không chỉ cần những người làm tốt phần việc của mình mà còn phải có tiềm năng trong tương lai, vận hành linh hoạt các mô hình và có khả năng phản biện thay vì bảo sao làm vậy. Như vậy, ngoài chuyên môn kỹ thâật để tác nghiệp, một điều giúp profile của bạn lọt vào mắt nhà tuyển dụng chính là tư duy.”

Với các ứng viên là middle, senior thì sao? Chia sẻ nhìn nhận của mình về quan điểm “dự án ITO thì là code thuê rồi maintain, có ít đất diễn” của nhiều lập trình viên có thâm niên, anh Hưng cho biết: “Có thể trình độ chuyên môn của các anh em rất tốt, nhưng tâm thái như vậy thì theo mình chưa được “senior” cho lắm. Chúng ta rất dễ ngộ nhận về level của bản thân và làm việc ở CMC Global có lẽ là một cơ hội tốt để nghiêm túc nhìn nhận và định vị lại mình với môi trường dự án quốc tế”.

Thật vậy! Ngành IT luôn vận động chóng mặt, người thật sự giỏi là người có thể vượt qua “sức ì” của bản thân để mạo hiểm khẳng định mình ở những địa hạt mới. Có thể hôm nay bạn là senior mảng này, nhưng ngày mai lại trở thành junior một mảng khác để thích nghi với biến động của thị trường. Không phải lúc nào chúng ta cũng đủ hào hứng với công việc, hay luôn có những dự án thú vị để làm. Nếu không thể chọn việc, vậy hãy chọn thái độ tiếp cận công việc, hãy sẵn sàng học hỏi, sẽ luôn có những điều hay ho từ đội ngũ, từ quản lý. Ai đó đã nói 1 năm kinh nghiệm nhân 10 khác với 10 năm kinh nghiệm. Nếu thấy công việc hiện tại đã tới ngưỡng hay dưới sức, tại sao không tìm kiếm và đề xuất nhiệm vụ mới mới trong tổ chức để phá vỡ phạm vi an toàn. Giống như cách anh Trần Lê Hưng tiếp nhận chức danh quản lý, đó cũng là cách để dần dần tìm kiếm lại hứng thú trong công việc.

 

Là một Manager, hơn ai hết Trần Lê Hưng mong muốn và sốt sắng xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, nhưng quan trọng hơn nữa là đảm bảo chất lượng. Bởi thế, có lẽ việc bật chế đố phản diện đôi khi là cần thiết để lựa chọn ra những nhân tố phù hợp, đồng hành lâu dài với tổ chức.

Tìm hiểu thêm các vị trí Delivery Manager tại CMC Global:

> Delivery Manager (N2+) – CMC Japan – CMC Global

> Delivery Manager – CMC Global

Copy link
Powered by Social Snap