[Insider Tỏ tường] Chặng 4: Giai đoạn Triển khai & Vận hành

Scrum Master và DevOps có điểm chung khi đều là những “người kết nối”. Nếu Scrum Master giữ vai trò kết nối các thành viên của một Scrum team, thì DevOps chính là “gạch nối” giữa giai đoạn Phát triển và giai đoạn Vận hành. Họ đều tạo ra những ảnh hưởng thầm lặng nhưng quan trọng lên toàn bộ dự án, linh hoạt đưa cả đội ngũ phát triển đúng hướng và về đích đúng thời hạn.

to-tuong-chang-4

Insider: Tỏ tường – chuỗi bài viết giúp công chúng hiểu tường tận về công việc của các thành viên trong một dự án sản xuất phần mềm tại CMC Global. Bạn sẽ được gặp gỡ những C-Globalers nổi bật, để tìm hiểu về quy trình phát triển phần mềm “cơ bản” trong công ty IT Outsourcing, vai trò của từng thành viên trong một dự án ở CMC Global, và đặc biệt là những “góc khuất” về mỗi vị trí công việc.


Ở chặng 2 và 3 của Series Tỏ tường, quy trình phát triển phần mềm đã được miêu tả qua góc nhìn công việc của các lập trình viên tại CMC Global. Trong bài viết lần này, hai nhân vật đặc biệt khác sẽ tiếp tục kể về câu chuyện phát triển phần mềm tại Chặng 04 – Triển khai và Vận hành. Cùng tìm hiểu ngay về vị trí Scrum Master và DevOps tại bài viết này nhé!

 

vu-ha-anh-scrum-master

Chị Vũ Hà Anh – Scrum Master

Bén duyên với vai trò quản lý khi đảm nhận vị trí Operation Manager tại một Start-up đầy thử thách, chị Hà Anh đã trải qua hơn 02 năm làm Project Manager trước khi chính thức gia nhập CMC Global và trở thành một Scrum Master tại DE3 – đơn vị sản xuất phụ trách thị trường Châu Âu.

? Giới thiệu về vị trí của mình, chị Hà Anh chia sẻ: “Hiện nay, đa phần các dự án phần mềm đều được vận hành theo mô hình Agile. Xu hướng này đòi hỏi đội ngũ phát triển bao gồm các kỹ sư, lập trình viên, kiểm thử phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau theo các nguyên tắc Scrum. Đó cũng là cơ hội phát triển cho một vị trí rất đặc biệt: Scrum Master.”

Bên cạnh Project Manager, Scrum Master (SM) là một vị trí có vai trò quản lý quan trọng trong mô hình Agile. SM có nhiệm vụ đồng hành cùng các lập trình viên trong suốt dự án, đảm bảo sản phẩm được phát triển đúng tiến độ, bám sát yêu cầu của khách hàng và quan trọng nhất là triển khai thành công.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, đòi hỏi người làm SM cần nắm rõ được toàn bộ vòng đời dự án, hiểu rõ ý nghĩa của từng mắt xích và biết cách kết nối mọi thứ lại với nhau. Cũng vì thế mà một SM có thể cùng lúc sắm cho mình nhiều vai khác nhau, mà hai vai trò điển hình nhất là Quản lý và Kiến tạo.

? Ở vai trò quản lý, SM giám sát quy trình Scrum và đảm bảo rằng những sự kiện quan trọng như các buổi họp hoặc đánh giá Sprints được diễn ra đúng cách. Chị Hà Anh có trách nhiệm kết nối các thành viên trong nhóm Scrum, giúp cả đội tuân thủ các nguyên tắc, đồng thời đảm bảo sự linh hoạt và tối ưu hóa quy trình phát triển.

Chị chia sẻ: “Ở dự án hiện tại chị đang tham gia, tổng cộng có hơn 10 nhóm Scrum, với hơn 100 thành viên cùng làm việc với nhau. Để vận hành được một đội ngũ lớn như thế mà không giẫm chân lên nhau thật sự là một bài toán không đơn giản. Là SM trong một dự án lớn như thế cho chị cơ hội học hỏi được nhiều điều từ các SM khác, cũng như từ chính khách hàng.”

? Là vị trí có góc nhìn bao quát, SM phải có khả năng dự đoán, phát hiện và nhanh chóng xử lý những “pain point” mà không phải ai cũng nhìn thấy được. SM không cần phải có kiến thức quá sâu về kỹ thuật, nhưng bắt buộc phải có khả năng giải quyết vấn đề, loại bỏ các trở ngại và tạo điều kiện để nhóm Scrum làm việc hiệu quả.

?‍♀️ Ngoài vai trò quản lý, SM còn là người kiến tạo. Chị Hà Anh cố gắng xây dựng một môi trường làm việc đội nhóm vui vẻ và thoải mái, nơi mà các buổi thảo luận nhóm sẽ được tổ chức thường xuyên hơn. Khi mọi người cởi mở chia sẻ hơn, SM cần tận dụng nguồn thông tin này để giúp từng thành viên cải thiện các điểm yếu, cũng như phát huy tối đa thế mạnh.

“Chị mong muốn giúp cho các thành viên trong team hiểu rõ hơn về ý nghĩa công việc đang làm, đặc biệt là khi đặt vào bối cảnh của toàn bộ quá trình. Nếu ở mô hình dự án truyền thống: mỗi thành viên sẽ chỉ tập trung vào phần việc của mình, thì ở mô hình Agile các bạn được tham gia vào việc lên kế hoạch, hiểu được cách vận hành của cả hệ thống và thậm chí là các yếu tố về chi phí. Với cách làm này, cả đội sẽ có cái nhìn toàn diện về dự án, tăng tinh thần “làm chủ” và chủ động đề xuất các giải pháp tốt hơn.

Sứ mệnh cuối cùng của SM chính là giúp cho Scrum Team ngày càng gắn kết và trưởng thành hơn. Kiến tạo một môi trường linh hoạt với nhiều ý tưởng sáng tạo chính là điều tuyệt vời nhất mà vai trò này mang lại cho chị.”

 

Anh Trần Trường Thọ – Performance Test Leader 

?️‍♂️ Trước khi gia nhập CMC Global, anh Thọ đã là một kỹ sư vận hành với chuyên môn về công nghệ điện toán đám mây (Cloud). Theo xu hướng phát triển chung, anh dần tìm tòi và thử sức ở một vị trí khá mới mẻ đó là DevOps. Hiện nay, anh Thọ đang đảm nhận vai trò triển khai và vận hành các dự án phần mềm cho nhóm khách hàng lớn của CMC Global.

? DevOps ra đời nhằm khỏa lấp vào khoảng trống giữa giai đoạn Phát triển và giai đoạn Vận hành của quy trình dự án phần mềm. Sự xuất hiện của các kỹ sư DevOps giúp cho sản phẩm được triển khai nhanh, ổn định và chính xác hơn.

Đúng như tên gọi DevOps (là sự kết hợp giữa Development và Operation), nhân sự ở vị trí này có hai nhiệm vụ chính:
– Là cầu nối giúp cho quá trình phối hợp, giao tiếp giữa đội ngũ Phát triển và đội ngũ Vận hành diễn ra nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn.
– Đảm bảo các hệ thống, cơ sở dữ liệu, hạ tầng kết nối với nhau theo những quy luật chính xác và tự động hóa, nhằm tăng tính ổn định của sản phẩm.

Yêu cầu này đòi hỏi Devops Engineer là nhân sự có kinh nghiệm về sản xuất, phát triển phần mềm và cả kiến thức về vận hành hệ thống. Ngoài ra, các kỹ sư Devops sẽ cần có khả năng giao tiếp tốt để kết nối hai đội ngũ kỹ sư Phát triển và Vận hành.

? Với thế mạnh về Cloud, anh Thọ nhận định: “Sau khi trở thành một DevOps, anh thấy nhiều điểm tương đồng và bổ trợ lẫn nhau giữa hai mảng này. Hơn nữa, cả hai đều là những xu hướng tương lai, tính ứng dụng cao và sẽ còn được phát triển nhiều. Các ứng dụng ngày nay đều có thiên hướng triển khai và vận hành trên các nền tảng Cloud, vì vậy hai vị trí này lại càng có quan hệ mật thiết hơn.”

Tuy nhiên, theo anh Thọ, vị trí DevOps là một vị trí còn khá mới ở thị trường Việt Nam nên chưa có được một quy chuẩn cụ thể về trách nhiệm trong dự án. Nhân sự đảm nhận vị trí này bởi vậy mà càng cần có sự chủ động trong phạm vi công việc của mình để khai thác được đầy đủ các khía cạnh.

“CMC Global đã cho anh cơ hội phát triển bản thân như kì vọng ban đầu. Anh được phát huy tối đa khả năng của mình với vai trò của một DevOps. Anh được hợp tác với các đối tác hàng đầu trong ngành, làm việc cùng đội ngũ kỹ sư hùng hậu và giúp khách hàng triển khai những dự án có lượng người dùng khổng lồ.” – anh Thọ chia sẻ.

 

Đọc thêm các bài viết trước của Insider: Tỏ tường

Chặng 1: Giai đoạn phân tích, lên kế hoạch và thiết kế giải pháp

Chặng 2: Giai đoạn phát triển (Phần 1)

       Giai đoạn phát triển (Phần 2)

Chặng 3: Giai đoạn kiểm thử

Copy link
Powered by Social Snap